Khi đi sinh cần mang theo giấy tờ gì? Chia sẻ thực tế chuẩn bị giấy tờ khi đẻ của Diệu Ly Blogbecon tại bệnh viện phụ sản Hà Nội. Hi vọng sẽ giúp ích cho các mẹ bầu đang có băn khoăn như trê
Từ năm 2021, với sự thay đổi của hàng loạt các chính sách của nhà nước đặc biệt là sự xuất hiện của Căn cước công dân thay thế cho hàng loạt giấy tờ tùy thân. Điều này dẫn đến nhiều sự lo lắng của các chị em phụ nữ khi chuẩn bị cho hành trình “vượt cạn”.
Kể cả những người đã có nhiều kinh nghiệm cũng không khỏi bối rối. Vậy từ tháng 7/2021 khi đi sinh cần mang theo giấy tờ gì? Khi nào nên chuẩn bị và chuẩn bị những gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết nên mang theo những vật dụng gì một cách chi tiết nhất.
Mục lục
Khi nào nên bắt đầu chuẩn bị giấy tờ đi sinh?
Thời gian mang thai đủ là 9 tháng 10 ngày, tức là khoảng 37 tuần. Tuy nhiên, thời gian dự kiến không hẳn sẽ đúng. Hầu hết các bé sinh ra đều sẽ sớm hoặc chậm vài ngày thậm chí vài tuần. Từ tuần thứ 34 các sản phụ nên chuẩn bị tâm lý có thể sinh bất cứ khi nào. Vậy nên, việc chuẩn bị giấy tờ và đồ dùng cũng nên được hoàn thành trong thời gian này.
Từ đó đảm bảo gia đình sẽ hạn chế tối đa những thiếu sót trong quá trình mang sản phụ đi vượt cạn một cách bất ngờ.
Đặc biệt, bố hoặc bà nên là người tự tay chuẩn bị những vật dụng này. Bởi khi sinh sản phụ sẽ rất đau đớn và mệt mỏi, mọi thủ tục và công việc cần thiết sẽ đặt lên người chồng hoặc bà nội, ngoại. Việc tự tay chuẩn bị sẽ giúp các mọi người biết vị trí của từng món đồ khi cần và tiết kiệm thời gian hơn.
Khi đi sinh cần mang theo giấy tờ gì?
Dưới đây là một số giấy tờ bất ly thân mà mẹ và gia đình cần chuẩn bị khi đi sinh. Mình sinh tại viện Phụ Sản Hà Nội. Các mẹ khác chắc cũng tương tự, giấy tờ không khác gì đâu nè.
Căn cước công dân, Chứng minh thư, Hộ chiếu.
Đây là một trong những giấy tờ không thể thiếu khi chuẩn bị đi sinh của sản phụ. Căn cước công dân bắt buộc phải có để làm thủ tục nhập viện và giúp bệnh viện xác nhận thân phận của sản phụ.
Trong trường hợp các chị em chưa làm căn cước công dân thì vẫn mang chứng minh thư hoặc hộ chiếu đi để làm thủ tục như bình thường (nếu chứng minh thư chưa hết hạn).
Để tránh trường hợp bối rối khi đến làm thủ tục, gia đình nên photo trước 2 bản CCCD, chứng minh thư hoặc hộ chiếu trước khi đến bệnh viện. Trước dự sinh 2 tuần mẹ nên chuẩn bị để sẵn chứng minh thư vào nơi dễ nhớ hoặc đưa cho chồng hay người nhà nhé.
Giấy tờ khám thai, hồ sơ sinh
Để làm thủ tục nhập viện ngoài căn cước công dân gia đình cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ khám thai trong suốt thời gian mang thai của sản phụ. Những giấy tờ này là căn cứ quan trọng để các bác sĩ tại bệnh viện có thể chẩn đoán tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Từ đó đưa ra những quyết định nhập viện và phương pháp sinh sản tốt nhất. Các giấy tờ này thường bao gồm:
- Sổ khám thai.
- Phiếu siêu âm định kỳ trong suốt quá trình mang thai.
- Hình chụp X-quang nếu có.
- Điện tâm đồ (ECG) khi siêu âm tim thai.
- Các phiếu xét nghiệm thai kỳ và các giấy tờ khác (nếu có)
- Hồ sơ sinh chắc các mẹ đã làm từ trước
Sổ hộ khẩu.
Rất nhiều chị em thắc mắc từ tháng 7/2021 có cần mang theo sổ hộ khẩu khi đi sinh nữa không? Đến thời điểm hiện tại, sổ hộ khẩu vẫn có hiệu lực bình thường, theo luật nhà nước phải đến năm 2023 mới dừng sử dụng.
Vì vậy, sổ hộ khẩu vẫn là giấy tờ vô cùng cần thiết bệnh viện cần để làm giấy chứng sinh, căn cứ quan trọng để làm giấy khai sinh cho bé sau này. Lưu ý, cần mang theo sổ hộ khẩu gốc và 2 – 3 bản photo. Trong trường hợp do có sự thay đổi trong sổ hộ khẩu nên nhà nước đã thu lại giấy tờ này thì các mẹ chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chip (đã tích hợp cả sổ hộ khẩu) để làm thủ tục.
Thẻ bảo hiểm xã hội
Khi đi sinh cần mang theo những giấy tờ gì để được hưởng các chính sách bảo hiểm thai sản: Thẻ bảo hiểm y tế bảo hiểm y tế . Để nhận được ưu đãi lớn nhất nếu sinh tại bệnh viện không đúng tuyến gia đình cần có giấy chuyển viện.
Giấy chuyển viện
Với các mẹ đăng ký bảo hiểm xã hội trái tuyển. Mình đăng ký ở viện Y Học Cổ Truyền Bộ Công An nhưng đăng ký sinh tại viện Phụ sản Hà Nội. Trước dự sinh 1 -2 tuần, mình có tới viện Y học cổ truyền Bộ Công An để làm giấy chuyển viện.
Các mẹ làm viện khác mình không biết, nhưng tại đây, thủ tục rất nhanh chóng. Chị bác sĩ đưa tới phòng khám huyết áp, đo nhịp tim, siêu âm một lần rồi trả giấy chuyển viện cho mình. Chú ý là các mẹ phải tới tận nơi để lấy giấy nhé.
Các món đồ bắt buộc phải mang theo khi đi sinh.
Khi đi sinh cần mang theo những gì? Ngoài các giấy tờ trên, khi chào đón thành viên mới ra đời sẽ có rất nhiều món đồ không thể thiếu cần được chuẩn bị kỹ càng được nêu rõ dưới đây:
Đồ của bé
Có hàng ti tỉ thứ mà bố mẹ thường chuẩn bị sẵn sàng trước khi bé sinh ra. Thế nhưng thời gian đi viện đẻ thường chỉ khoảng 2 – 3 ngày, đẻ mổ khoảng 1 tuần và chúng ta chỉ nên mang những thứ cần thiết dưới đây:
- Khăn quấn vải ( 6 – 8 cái)
- Tã giấy cho trẻ sơ sinh (20 cái)
- Áo, quần ngắn tay, dài tay (3 – 5 bộ)
- Mũ đội đầu, bao tay, bao chân (3 – 5 cái/đôi)
- Các loại khăn: khăn lau người cho bé khi tắm, khăn sữa, khăn ướt,…
- Băng rốn: 4 – 5 cái.
- Nước muối sinh lý nhỏ mắt, mũi: 1 lọ 10ml
- Gối bông mềm, chăn bông mềm: 1 cái
- Rơ lưỡi: 5 – 6 cái.
- Sữa, bình sữa, máy hút sữa,…
- Thau tắm cho bé: 1 cái
- Bông y tế,…
Gia đình có thể mua trực tiếp tại quầy bán hàng tại viện phụ sản nhé. Có đầy đủ mọi thứ cho các mẹ nếu chưa kịp chuẩn bị.
Đồ của mẹ
Khi vào viện kể cả sinh mổ hoặc sinh thường, nằm viện dài hay ngắn các mẹ đều cần chuẩn bị những vật dụng cá nhân dưới đây:
- Quần áo mềm mại, rộng rãi dễ mặc 2 bộ. Đây là đồ chuẩn bị cho lúc ra viện hoặc khi thay quần áo bệnh nhân mà chưa kịp lấy bộ mới dùng tạm. Không nên dùng váy liền vì sẽ rất bất tiện khi cho con bú.
- Băng vệ sinh cho sản phụ chuyên dụng: 6 -8 cái
- Quần lót loại dùng một lần khoảng 20 cái, vừa đủ cho sản phụ kể cả khi sinh mổ
- Ngoài ra còn có các vật dụng vô cùng cần thiết khác như: Áo khoác, tất chân, găng tay, bàn chải đánh răng, thau nhỏ, khăn mặt, túi đựng đồ bẩn, khăn giấy, khăn ướt, giấy vệ sinh,…
Chi phí khi đi đẻ tại Viện Phụ sản Hà Nội
Tổng động viên của mình đi đẻ hết hơn 9 triệu. Nhưng chi phí dịch vụ cho cả mẹ và bé chiếm tới 80%. Chi phí đi đẻ dao động từ 2 -3 triệu thôi các mẹ ạ. Mình đẻ thường khi đi đẻ đặt cọc ở quầy thanh toán 16 triệu. Còn thừa bao nhiêu tiền, người ta sẽ trả lại khi ra viện. Mình nằm ở khoa thường, đặt giường dịch vụ sau đẻ tại viện nhé.
- Không chỉ chuẩn bị đồ cho mẹ và bé. Bố hoặc bà cũng cần có một ít đồ cá nhân cần thiết khi vào viện chăm sóc sản phụ.
- Mọi vật dụng đã chuẩn bị nên được bố trí gọn gàng và phân loại rõ ràng. Từ đó việc đưa ra sử dụng sẽ nhanh và không tốn công tìm kiếm khi cần gấp.
Trong bài viết sau, mình sẽ review toàn bộ quá trình đi đẻ của mình tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhé.
Với phần giải đáp vô cùng tỉ mỉ, chi tiết cho những thắc mắc của các chị em như: khi đi sinh cần mang theo những giấy tờ gì, món đồ nào? Đặc biệt là những sản phụ mới chuẩn bị cho lần “vượt cạn” đầu tiên. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp chị em có quá trình nhập viện suôn sẻ hơn và chào đón thành viên mới đến với gia đình thật hạnh phúc.